Để phát huy tiềm năng lợi thế đất đai, con giống và kinh nghiệm của đồng bào vùng cao trong lĩnh vực chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, ngựa) thành mũi nhọn đột phá giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, huyện Si Ma Cai đã quy hoạch trồng gần 200 ha đất trồng cỏ voi, ngô trái vụ để chủ động dự trữ thức ăn cho gia súc.
Người dân trồng cỏ voi làm thức ăn cho trâu, bò
Hộ ông Giàng A Dề, thôn Mào Sao Phìn, xã Xín Chéng huyện Si Ma Cai có 8 nhân khẩu, trước đây thuộc diện nghèo nhất thôn, nhưng chỉ sau nuôi trâu theo phương thức nuôi nhốt, vỗ béo trâu bò ông đã có trâu bán đều đặn tại các phiên chợ trong xã, giờ đây thu nhập gia đình ông Dề thuộc dạng khá trong thôn.
Ông Ngô Văn Sơn, xã Bản Mế nuôi tới 5 con trâu, gồm cả trâu sinh sản và trâu thương phẩm. Theo ông Sơn: “ Để chuẩn bị đủ lượng thức ăn cho gia súc, gia đình tôi đã trồng gần 1 ha cỏ voi, hơn 1 ha ngô đông, chủ yếu là lấy lá và thân làm thức ăn cho chúng. Về mùa đông, sau khi thu hoạch lúa, gia đình tôi thu gom rơm về nhà phơi khô, đánh đống đề phòng ngày rét đậm, rét hại khan hiêm thức ăn sẽ cho chúng ăn theo hình thức nuôi nhốt".
Để đảm bảo thức ăn quanh năm cho gia súc, nhất là mùa đông, các hộ dân ở Si Ma Cai đã trồng cỏ voi, trồng ngô thật dày, không để lấy bắp mà làm “thức ăn tăng trọng” cho gia súc. Hiện mỗi gia đình chăn nuôi ở huyện vùng cao này đều dành một diện tích thích hợp – nơi nhiều có thể lên tới 2000 m2 để trồng cỏ và ngô cho gia súc.
Theo Ông Viên Đình Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thì giống ngô trồng để chăn nuôi phải là giống ngô địa phương, bởi giống này rẻ và lớn nhanh khi trồng mật độ dày. Trong khi đó, một phần sản lượng ngô hạt lai được dùng làm cám nấu vỗ béo trâu, bò khi cần thiết. Theo bà con thì chăn nuôi lãi hơn nhiều bán ngô hạt, nhờ đó mà nhiều hộ đã thoát nghèo, thậm chí làm giàu.
Tính đến hết năm 2019, Lào Cai có gần 15 vạn con đại gia súc, trong đó huyện vùng cao như Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương, Sa Pa, Bát Xát có số lượng chiếm khoảng 50% tổng đàn. Để có đủ nguồn thức ăn cho gia súc, nhất là vào mùa đông, UBND tỉnh Lào Cai đã có những chỉ đạo quyết liệt chống rét cho cây trồng vật nuôi trong đó đặc biệt chú trọng khâu đảm bảo thức ăn cho gia súc. Từ năm 2018, toàn tỉnh đã quy hoạch được trên 2.000 ha đất trồng cỏ voi đáp ứng nhu cầu thức ăn quanh năm cho vật nuôi.
Người dân dự trữ thức ăn cho trâu bò vào mùa đông
Được biết, liên tiếp trong các mùa đông từ năm 2014 trở lại đây, mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp, rét đậm rét hại kéo dài kèm theo băng tuyết, song số đại gia súc của các huyện vùng cao chết không đáng kể, chủ yếu là do bà con đã biết chủ động che chắn chuồng trại, nuôi nhốt, tiêm phòng và chuẩn bị đầy đủ thức ăn cho chúng, tỷ lệ tăng đàn nhanh.
Xã Bản Mế (Si Ma Cai) là địa phương đi đầu trong phong trào chăn nuôi gia súc theo phương thức mới. Đến thời điểm này Bản Mế có 50% trong tổng số gần 500 hộ dân trong xã nhận nuôi trâu bò theo hình thức nuôi nhốt bán chăn thả với tổng đàn gần 15.000 con trâu, bò, ngựa. Để chủ động nguồn thức ăn cho số trâu bò kể trên, năm nay Bản Mế trồng gần 150 ha cây cỏ voi, 20ha ngô gieo dày.
Chị Ma Thị Sao, thôn Cốc Dế, xã Bản Mế phấn khởi nói: “Trước đây người dân chẳng bao giờ trồng cỏ, vì cỏ thì có sẵn ở trên đồi, đất phải để trồng ngô, lúa lấy lương thực ăn. Nhưng giờ đây được hướng dẫn kỹ thuật của khuyến nông mỗi năm nhà tôi đều để dành một mảnh đất để trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc. Con trâu là tài sản lớn của gia đình nên nó cần phải được chăn dắt, chăm nuôi tốt”.
Đường vào các thôn bản vùng sâu Lào Cai nói chung bây giờ đâu đâu cũng bê tông hóa thông thoáng, không còn tình trạng ô nhiễm từ chất thải của gia súc thả rông. Hai bên đường và cả các đồi nương bà con đã tận dụng đất trồng cỏ, trồng ngô để chăn nuôi, nhờ đó đàn đại gia súc của Lào Cai mấy năm gần đây đã tăng đàn khá – trên 15%. Việc phát triển chăn nuôi đại gia súc và chăn nuôi chúng theo phương thức mới nuôi nhốt và chăn dắt đã thực sự mang lại lợi ích kép, vừa đảm bảo thực hiện tốt hai tiêu chí cơ bản trong xây dựng Nông thôn mới ở vùng cao đó là “vừa giữ môi trường nông thân, vừa tăng thu nhập cho người dân”