Xã Bản Xèo, huyện Bát Xát là một trong những địa phương có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất của tỉnh. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã Bản Xèo chiếm 64,5%, năm 2016 đã giảm còn 32,2%. Chia sẻ kinh nghiệm giảm nghèo tại địa phương, ông Vương Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bản Xèo cho biết: “Để giúp đỡ người dân giảm nghèo, chính quyền xã đã chọn ra cây trồng chủ lực là cây đao riềng, hỗ trợ giống và kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm cho người dân thông qua hợp tác xã sản xuất và chế biến miến đao. Cây đao riềng đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Cũng từ mô hình giảm nghèo này, tiêu chí thu nhập, hộ nghèo và tỷ lệ lao động có việc làm được cải thiện đáng kể, hoàn thành tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất. Xã Bản Xèo đang nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 18% và hoàn thành chương trình xây dựng NTM vào năm 2018”.
Nông dân huyện Bảo Thắng thu hái chè. |
Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới có 3 trong tổng số 61 huyện nghèo nhất cả nước, đời sống người dân ở những huyện này còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2015, tỉnh Lào Cai có 53.605 hộ thuộc diện nghèo, chiếm 34,3% số hộ của toàn tỉnh. Trước tình hình đó, những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Năm 2016, tỉnh Lào Cai giảm được 6,89% hộ nghèo, tương ứng trên 6.500 hộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 27,4%. Theo số liệu điều tra tháng 11/2016, thực hiện Nghị quyết 30a, huyện Si Ma Cai đã giảm hơn 900 hộ nghèo, huyện Bắc Hà giảm trên 1.000 hộ nghèo, huyện Mường Khương giảm gần 1.500 hộ nghèo.
Tại huyện Mường Khương, để hỗ trợ người dân giảm nghèo nhanh và bền vững, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương đã chủ động khai thác thế mạnh của từng khu vực, hình thành vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh. Các dự án hỗ trợ người dân phát triển kinh tế mang lại hiệu quả thiết thực, như nuôi bò sinh sản kết hợp trồng cỏ, nuôi cá lồng trên sông Chảy. Các vùng trồng chè, dứa, chuối, ớt… theo quy mô lớn mang tính hàng hóa đã giúp người dân có thu nhập ổn định, nhiều lao động nông thôn có việc làm, đời sống được cải thiện rõ rệt, diện mạo nông thôn thay đổi, nguồn vốn huy động từ nhân dân được nâng cao. Anh Đinh Ngọc Linh, thôn Na Lin, xã Bản Xen cho biết: Đời sống của người dân trong thôn được nâng cao, nên việc đóng góp để xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn, xây nhà vệ sinh, chuồng trại cũng dễ dàng hơn. Người dân còn nghèo thì không thể thực hiện được những tiêu chí trên mà phải chờ hỗ trợ của Nhà nước. Nếu như vậy, sẽ không thể hoàn thành xây dựng nông thôn mới được.
Từ thực tế đó, các địa phương đã chủ động chọn ra cây trồng, vật nuôi hoặc mô hình kinh tế chủ lực để giảm nghèo. Trồng rừng kinh tế tại Bảo Yên, Văn Bàn; trồng cây tam thất tại Si Ma Cai; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn tại Bảo Thắng; mô hình cây ăn quả, hoa, rau ôn đới tại Sa Pa, Bắc Hà… đang trở thành những mô hình sản xuất tiêu biểu giúp người dân giảm nghèo bền vững và góp phần hoàn thành chương trình xây dựng NTM.
Ông Bùi Công Khanh đánh giá: Tỷ lệ giảm nghèo càng nhanh thì công tác xây dựng NTM càng thuận lợi. Công tác giảm nghèo mang tính chất quyết định đến các tiêu chí trong xây dựng NTM như vấn đề thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo và liên quan đến các tiêu chí khác. Nếu coi xây dựng NTM là một đại công trình thực hiện tại nông thôn, thì giảm nghèo là “viên gạch” đầu tiên, đặt nền móng quyết định. Tỷ lệ hộ nghèo cao đồng nghĩa với việc huy động sự đóng góp từ cộng đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM sẽ gặp nhiều khó khăn, địa phương nào có tỷ lệ hộ nghèo thấp thì thực hiện các tiêu chí thuận lợi hơn nhiều. Về chủ trương, mục tiêu đầu tiên của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là cải thiện, nâng cao đời sống của người dân, đó cũng là thước đo cơ bản nhất về thành tích của địa phương trong xây dựng NTM.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, những năm qua, tỉnh Lào Cai đã tích cực lồng ghép với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia khác, như Chương trình 135, Chương trình 30a với mục tiêu chung là giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất. Tại khu vực nông thôn, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều mô hình sản xuất, quan tâm công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đẩy mạnh liên kết sản xuất hàng hóa gắn với hoạt động tiêu thụ nông sản và công tác thị trường.
Nguồn tin: Báo Lào Cai
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn