Ngay từ giai đoạn đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (2011 - 2015), Lào Cai đã xác định ưu tiên nguồn lực, tập trung thực hiện đạt chuẩn nông thôn mới tại 35 xã đăng ký hoàn thành trong giai đoạn này. Tỉnh cũng nghiên cứu phương án huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia vào xây dựng nông thôn mới và huy động nguồn lực xã hội, nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn nước ngoài, đóng góp của doanh nghiệp và nhân dân.
Trao Bằng Công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho xã Khánh Yên Trung (Văn Bàn) |
Chính sách đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn theo Quyết định số 61/2011/QĐ-UBND là điển hình về sự linh hoạt của Lào Cai trong vận dụng hiệu quả cơ chế, chính sách của Trung ương vào thực tiễn. Theo Quyết định này, tỉnh hỗ trợ (khoán gọn) khối lượng bình quân để hoàn thành 1 km đường giao thông (trừ đường ngõ, xóm) được mở mới theo cấp đường từ xã tới các thôn bản; đường nối liền các thôn, bản, đường trực thôn xóm, đường trục chính nội đồng xây dựng theo quy mô đường cấp A hoặc cấp B là 120 triệu đồng/km. Tỉnh hỗ trợ 100% khối lượng xi măng hoặc nhựa đường (đối với đường cấp A, B) và vận chuyển đến địa điểm tập kết của tuyến đường đã được xã, huyện đăng ký; hỗ trợ 163 tấn xi măng/km đối với đường bê tông có chiều rộng 3 m; hỗ trợ 136 tấn xi măng/km đối với đường bê tông xi măng có chiều rộng 2,5 m; hỗ trợ 109 tấn xi măng/km đối với đường bê tông xi măng có chiều rộng 2 m... Đây chính là khởi nguồn của phong trào làm đường giao thông nông thôn sôi nổi rộng khắp trong những năm qua.
Trong 5 năm (2010 - 2014), toàn tỉnh có 11/144 xã cơ bản hoàn thành tiêu chí giao thông. Tổng kinh phí huy động hơn 3.300 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác nhau, trong đó, nguồn vốn huy động nhân dân đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn là 755 tỷ đồng (chiếm 22,63%)... Những con đường được mở mới đã góp phần nâng cao đời sống của người dân, đồng thời, tạo thuận lợi để hoàn thành các tiêu chí khác. Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2015, Lào Cai có 20/143 xã (13,9%) đạt chuẩn nông thôn mới, là tỉnh đứng đầu trong khu vực về tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới (7,2%), bình quân số tiêu chí đạt chuẩn/xã là 9,63 tiêu chí, tăng 6,33 tiêu chí so với năm 2010.
Bước sang giai đoạn tiếp theo, những thuận lợi ban đầu không còn là lợi thế, trong khi đó những khó khăn, thách thức xuất hiện càng nhiều, đặc biệt là nguồn lực đầu tư. Từ sự chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Lào Cai đã xác định phương châm xuyên suốt khi thực hiện xây dựng nông thôn mới đó là: Nội dung nào dễ làm trước, khó làm sau. Nội dung ít vốn làm trước, nhiều vốn làm sau. Nơi nào được sự đồng thuận tốt của nhân dân làm trước, chưa đồng thuận thì làm sau. Không đầu tư dàn trải các tiêu chí, triển khai thực hiện các nội dung, công việc theo thứ tự ưu tiên, phù hợp khả năng các nguồn vốn gắn với lộ trình, kế hoạch thực hiện từng tiêu chí nông thôn mới của xã. Thực hiện cơ chế khoán gọn đối với những nội dung thực hiện được. Điều kiện chung để đề xuất danh mục công trình, bố trí kế hoạch đầu tư là: Phù hợp với quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới của xã, do cộng đồng, cơ sở đề xuất, lựa chọn; đồng thời có cam kết trong văn bản đăng ký kế hoạch của UBND xã về sự tự nguyện đóng góp, tham gia của cộng đồng để xây dựng công trình theo cơ chế hỗ trợ của tỉnh.
Người dân xã Việt Tiến (Bảo Yên) góp sức làm đường giao thông nông thôn |
Cơ chế hỗ trợ đầu tư thực hiện một số nội dung, tiêu chí xây dựng nông thôn mới năm 2016 theo Quyết định 2655/UBND-NLN ra đời từ phương châm nêu trên. Theo Quyết định này, với tiêu chí thủy lợi, ngân sách tỉnh quản lý hỗ trợ công trình thủy lợi phục vụ diện tích canh tác từ 5 ha trở lên. Với tiêu chí trường học, ngân sách tỉnh quản lý hỗ trợ đầu tư lớp học, nhà công vụ giáo viên, bếp, nhà vệ sinh, cổng trường. Các nội dung khác do cấp huyện, cấp xã đầu tư và huy động nhân dân tự nguyện thực hiện. Với tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, nhà văn hóa xã được ngân sách tỉnh hỗ trợ xây dựng các hạng mục chính thiết kế theo mẫu định hình, san tạo mặt bằng, cổng. Phần còn lại như bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng các hạng mục phụ trợ khác do cấp huyện, cấp xã đầu tư và nhân dân tự nguyện thực hiện. Nhà văn hóa thôn, khu thể thao xã, trang - thiết bị nhà văn hóa xã… cũng được hỗ trợ nguồn kinh phí nhất định. Các tiêu chí khác như môi trường, chợ nông thôn, y tế cũng được hưởng lợi rất nhiều từ cơ chế đặc thù này. Quyết định 2655 có thể coi là “chìa khóa” tháo gỡ khó khăn về nguồn lực cho các địa phương, đặc biệt là các xã nỗ lực phấn đấu về đích trong năm 2016. Hết năm 2016, toàn tỉnh có 28/143 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 8 xã so với năm 2015. Số tiêu chí đạt bình quân/xã của toàn tỉnh là 10,7 tiêu chí (tăng 1,07 tiêu chí/xã so với năm 2015). Thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đạt 15 triệu đồng/năm.
Lào Cai đặt ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2017 có thêm 8 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Những khó khăn ở cấp cơ sở ngày càng nhiều, nhưng phong trào không vì thế mà trầm lắng. Ngoài việc chỉ đạo quyết liệt và đôn đốc thường xuyên, Ban Chỉ đạo tỉnh tiếp tục đưa ra cơ chế để các chính quyền các địa phương chủ động huy động nguồn nội lực thực hiện các tiêu chí. Bên cạnh đó, tỉnh đã có chính sách đặc thù về đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, đây được xem là giải pháp căn cơ để nông dân - những chủ thể xây dựng nông thôn mới có điều kiện chung sức nhiều nhất.
Nguồn tin: Báo Lào Cai
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn