Nhằm mục đích giao lưu, học hỏi những kiến thức, kinh nghiệm hay trong xây dựng nông thôn mới của địa phương khác từ đó nâng cao năng lực cho đội ngũ xây dựng nông thôn mới tỉnh nhà. Trong 5 ngày từ 11/4 đến 15/4/2017, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Lào Cai phối hợp với Văn phòng quản lý, tư vấn Chương trình Hạnh phúc Lào Cai (Văn phòng PMC) đã tổ chức chuyến đi tham quan thực tế, học tập kinh nghiệm về xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Lai Châu và Điện Biên cho các 32 cán bộ thuộc VPĐP NTM tỉnh, huyện, xã; Văn phòng PMC; cán bộ khuyến nông xã, cán bộ địa chính, cán bộ xã phụ trách 8 thôn thực hiện làng mới Saemaul undong, cán bộ xã xuất sắc trong thi công làm đường GTNT...
Trong suốt quá trình tham quan, thành viên đoàn được trao đổi với chính quyền địa phương về lịch sử, nguồn gốc hình thành, quy mô, năng suất và hiệu quả của các mô hình; các kinh nghiệm trong công tác vận động, tuyên truyền nhân dân thực hiện mô hình; cách thức liên kết trong sản xuất; cách thức thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng...
Đoàn tham quan làm việc với UBND xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên
Tại Điện Biên, đoàn đã tham quan 5 mô hình trong đó mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa tám thơm tại xã Thanh Hưng và mô hình du lịch cộng đồng tại xã Thanh Xương được đánh giá cao. Về mô hình liên kết sản xuất, xã Thanh Hưng đã tạo được liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân trong quá trình sản xuất lúa với phương châm đi sâu vào chất lượng không chạy theo sản lượng, sản phẩm làm ra đều được truy suất nguồn gốc. Đặc biệt doanh nghiệp đã đứng ra mua bản quyền giống lúa chất lượng, cung cấp giống và kí hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá mua luôn cao hơn giá thị trường từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.
Đoàn tham quan hệ thống sơ chế và bảo quản lúa tại công ty TNHH giống nông nghiệp Trường Hương Điện Biên
Xuất phát từ nhu cầu của khách du lịch muốn khám phá ẩm thực cũng như nét văn hóa của các dân tộc tại Điện Biên, xã Thanh Xương đã thành lập làng du lịch cộng đồng, đến đây du khách được giao lưu văn hóa, văn nghệ và thưởng thức những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc. Từ đó, ngày càng thu hút thêm nhiều du khách, đời sống nhân dân dần được nâng lên.
Tại Lai Châu, đoàn đã tham quan 6 mô hình trong đó nổi bật có mô hình vệ sinh môi trường nông thôn xã Nậm Loỏng và mô hình du lịch sinh thái xã Bản Bo. Sau 2 năm tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, bằng nhiều biện pháp như hỗ trợ 3 triệu đồng/ 1 nhà vệ sinh; cán bộ xã, thôn thực hiện làm trước sau đó vận động nhân dân làm sau, ngày đêm bám sát cơ sở đến nay xã Nậm Loỏng đã có trên 200 nhà vệ sinh tự hoại, đây là một thành công lớn với một xã vùng cao mà trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm đa số từ đó nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường nông thôn.
Mô hình nhà vệ sinh tại xã Nậm Loỏng
Tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên có các hang động và hệ thống cọn nước đẹp xã Bản Bo đã đầu tư, xây dựng thành khu du lịch sinh thái. Điểm du lịch này là nơi tiêu thụ các sản phẩm sẵn có của địa phương, thúc đẩy phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân. Tiền vé thu được từ khách du lịch khi vào tham quan sẽ được dùng để chi trả cho Ban quản lý, tổ môi trường và tái đầu tư cơ sở hạ tầng vào khu du lịch làm cho khu du lịch ngày càng mở rộng và thu hút được nhiều khách tham quan hơn.
Hệ thống cọn nước tại xã Bản Bo
Kết thúc chuyến tham quan học tập, đoàn tiến hành tổng kết, đánh giá lại các mô hình đã tham quan. Tất cả thành viên trong đoàn nhất trí rằng các mô hình đến tham quan đều rất hiệu quả và phù hợp với yêu cầu đề ra của Đoàn. Các đại biểu đã học hỏi và tiếp thu được nhiều thông tin đạt kết quả mong đợi và sẽ chọn lọc các mô hình hiệu quả, phù hợp để áp dụng vào địa phương làm cho nông thôn mới tại Lào Cai ngày càng phát triển và bền vững .